Ngày 21/10, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị trực tuyến “Tập trung tháo gỡ và giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển trên địa bàn”.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nhấn mạnh, những khó khăn, thách thức do tác động và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 còn rất lớn và vẫn đang hiện hữu. Qua đó, nhu cầu thị trường sụt giảm, giá cả nguyên vật liệu và chi phí đầu vào gia tăng, các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, cung cấp dịch vụ bị ngưng trệ cục bộ. Việc làm và thu nhập của người lao động gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ. Việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư dự án… chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình trong 9 tháng năm 2021, về lĩnh vực phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, có khoảng 360 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 35%, số vốn đăng ký tăng 75,8%.
Quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án trong nước với số vốn đăng ký 32.517 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số vốn đăng ký tăng 92,5%. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 571 dự án; trong đó, có 39 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 590,8 triệu USD và 533 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký khoảng 120.681 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng nêu rõ các khó khăn, vướng mắc hiện nay như: nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh, các sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được; hàng tồn kho lớn; giá cả nguyên vật liệu đầu vào có thời điểm tăng từ 30-40% so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong tình trạng cầm chừng để duy trì sản xuất, việc làm và “giữ chân” người lao động. Việc tiếp cận nguồn vốn vay để sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, hợp tác xã khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp, khó thuê mượn đất sản xuất; mức lãi xuất vay giảm nhưng không đáng kể.
Việc giãn, cơ cấu các khoản nợ gặp nhiều khó khăn; các chi phí về tiền thuê đất, tiền điện, tiền nước, nguyên, nhiên vật liệu… chưa được hỗ trợ giảm cho phù hợp với khó khăn của doanh nghiệp. Chi phí vận chuyển lưu thông hàng hóa tăng cao so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19, có thời điểm tăng đến 30% dẫn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải bù lỗ. Xe vận chuyển hàng hóa ra vào tỉnh khó khăn do áp dụng kiểm tra phòng chống dịch COVID-19.
Một số doanh nghiệp hiện đang chi trả 100% lương cơ bản vùng cho người lao động nghỉ việc do liên quan đến F1, F2; tăng thêm chi phí về xét nghiệm COVID-19 cho người lao động khi qua chốt kiểm dịch, tăng chi phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động trong khi thủ tục tiếp cận gói hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, người lao động còn phức tạp, chưa kịp thời.
Các dịch vụ lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ du lịch khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu giảm mạnh; nhiều cơ sở phải đóng cửa do không có khách. Người lao động trong ngành dịch vụ du lịch không có việc làm, thu nhập, đời sống không ổn định. Số doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; năng lực nội tại và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu, chưa có liên kết ổn định lâu dài.
Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế hoạt động, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận và hưởng thụ đầy đủ các chính sách quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hạn chế tối đa việc dồn ứ hàng hóa trong khâu lưu thông, nhất là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, nghiên cứu miễn, giảm, hoãn các khoản đóng góp về thuế, phí, tiền thuê đất năm 2021 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các sở, ngành giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn để không làm lỡ cơ hội của nhà đầu tư…
Những đề xuất, kiến nghị tại hội nghị đã được lãnh đạo sở, ngành trả lời, làm rõ nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Những đề xuất không thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ được tổng hợp, gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành.
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các kiến nghị. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ tập trung giải quyết; trong đó, đặc biệt chú trọng giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, thông thoáng nhưng theo đúng quy định; chấm dứt ngay hành vi cản trở đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai…