Bộ GTVT vừa đề xuất danh mục dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 được xác định theo khả năng bố trí nguồn lực cho ngành GTVT trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo Quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành được hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế.
Quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị loại đặc biệt, loại I.
Đồng thời, kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển loại II, sân bay quốc tế, cảng đường thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối, đầu mối giao thông đô thị loại II trở xuống. Phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Bộ GTVT cũng đề xuất danh mục dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 được xác định theo khả năng bố trí nguồn lực cho ngành giao thông trên tổng GDP; khả năng huy động nguồn vốn; ưu tiên đầu tư các hành lang vận tải chính, kết nối liên vùng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm có đóng góp GDP lớn; từng bước nâng cao tỉ trọng đầu tư cho các vùng còn khó khăn, có tỷ lệ đầu tư so với dân số thấp như Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng ĐBSCL.
Danh mục dự án quan trọng quốc gia gồm: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL; các vành đai đô thị và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và TPHCM; các quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.
Đặc biệt, dự thảo Quy hoạch có đưa ra danh mục 25 dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 gồm: 4 đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông; Vành đai 3 TPHCM; Vành đai 4 Hà Nội; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng – Trần Đề; An Hữu – Cao Lãnh; Chơn Thành – Đức Hòa; Mỹ An – Cao Lãnh; Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; Buôn Ma Thuột – Vân Phong; Biên Hòa – Vũng Tàu; TPHCM – Mộc Bài; TPHCM – Chơn Thành; Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc; cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn; Chợ Mới – Bắc Cạn; nối TP. Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Hòa Bình – Mộc Châu; Đồng Đăng – Trà Lĩnh; Vành đai 4 TPHCM; Vành đai 5 Hà Nội; Bảo Lộc – Liên Khương; Vinh – Thanh Thủy; Mộc Châu – Sơn La; Phú Thọ – Chợ Bến và Hà Tiên – Rạch Giá.
Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 vào khoảng 900.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành.
Bộ GTVT xác định sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án ở các vùng khó khăn.
Bên cạnh các nguồn vốn như: PPP, ODA, ngân sách, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác; các địa phương nghiên cứu, triển khai quy hoạch chi tiết và cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ.