Dự án Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng (NMTĐHB) đang trong giai đoạn chạy đua với thời gian, trên công trường, hàng trăm phương tiện ô tô, xe lu, máy xúc ngày đêm hoạt động với kế hoạch đề ra bắt buộc phải hoàn thành một số hạng mục trong khoảng hơn 10 ngày tới, trước khi hồ Hoà Bình tích nước, nếu chậm tiến độ, thiệt hại đối với công trình rất lớn.
Dự án NMTĐHBMR là công trình trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công ngày 10/1/2021. Dự án được thiết kế với 2 tổ máy cùng công suất 480 MW, khi đi vào hoạt động mỗi năm sản xuất gần 900 triệu kWh điện. Khối lượng thi công chính gồm: Tổng khối lượng đào đất, đá 3,8 triệu m3, 370 nghìn m3 bê tông; 15 nghìn tấn thiết bị cơ khí thuỷ công và thiết bị cơ điện.
Hiện, dự án đang trong giai đoạn triển khai gói thầu xây lắp số 1, tổng giá trị hợp đồng hơn 3.000 tỷ đồng. Các hạng mục của công trình gồm: Công trình sử dụng đập dâng và hồ chứa chung với NMTĐHB hiện hữu; các hạng mục chính xây dựng mới là khu vực nhà máy, đê quây cửa nhận nước, hầm phụ và hầm tiêu nước mở rộng.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) điện I, Giám đốc điều hành dự án Phạm Thanh Hoài, về tiến độ của công trình, tính từ khi khởi công đến nay, các đơn vị thi công đã triển khai đào hố móng của nhà máy, cửa nhận nước và đê quây công trình. Tổng khối lượng đào đắp đạt khoảng 1 triệu m3 đất, đá.
Hạng mục đê quây phía thượng lưu và hố móng cũng như mặt bằng thi công nhà máy ở cao trình +31 m là những hạng mục công trình rất quan trọng trong tổng thể dự án. Dưới sự giám sát của BQLDA điện I, đại diện chủ đầu tư, liên doanh các nhà thầu đã huy động hàng trăm máy móc, thiết bị cùng nhân lực đảm bảo thi công 3 ca, 4 kíp cả ngày lẫn đêm, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Công tác thi công đào đất cửa nhận nước và đất, đá nhà máy đạt trên 90% kế hoạch.
Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban điều hành liên doanh nhà thầu thi công cho hay, trong giai đoạn này, hạng mục đê quây cửa nhận nước phía thượng lưu hồ Hòa Bình, phần hố móng cũng như mặt bằng thi công nhà máy ở cao trình +31 m là những hạng mục công trình rất quan trọng, buộc phải thi công đúng tiến độ đề ra. Nếu trong vòng hơn 10 ngày tới không hoàn thành, thuỷ điện Hòa Bình đến thời điểm tích nước, khiến cho nước hồ Hòa Bình dâng cao sẽ vỡ toàn bộ kế hoạch triển khai các hạng mục ngầm khác của dự án. Như vậy, cả công trình chắc chắn sẽ chậm tiến độ đến cả năm. Vì vậy, với các hạng mục đặc biệt quan trọng đảm bảo sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đúng theo kế hoạch.
Trong công tác đảm bảo an toàn, BQLDA điện I và liên doanh nhà thầu đặc biệt quan tâm, thường xuyên tổ chức huấn luyện và cấp thẻ về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ, công viên tham gia trên công trường; lắp đặt các cọc tiêu, dây phản quang cảnh báo dọc các tuyến đường công vụ, phạm vi có vực sâu (taluy âm) và biển báo nguy hiểm.
Liên quan đến vấn đề môi trường, BQLDA điện I đã ký hợp đồng với các đơn vị để thu gom xử lý rác thải nguy hại; thu gom, xử lý rác thải công nghiệp, sinh hoạt tại các khu phụ trợ lán trại của nhà thầu. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát tán bụi trong mặt bằng công trường, trên các tuyến đường vận chuyển đất, đá thông qua việc tưới nước thường xuyên dọc tuyến đường, che bạt thùng xe. Cụ thể: Yêu cầu nhà thầu hợp đồng với Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình hàng ngày tưới nước rửa đường và vệ sinh đường phố nơi những tuyến xe chở đất, đá đi qua đến nơi đổ thải; hàng tháng, nhà thầu thực hiện việc kiểm tra, duy tu, sửa chữa các tuyến đường bị ảnh hưởng do phương tiện vận chuyển; sau khi công trình hoàn thành tổ chức hoàn trả các công trình bị ảnh hưởng do thi công với địa phương; đồng thời, làm việc với địa phương, Sở GTVT về phương án giao thông trong quá trình thi công.
Cũng theo đồng chí Phạm Thanh Hoài, dự án NMTĐHB MR sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành sẽ mang lại hiệu quả như: Tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia; tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐHB hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Đối với tỉnh, quá trình xây dựng đã tạo thêm việc làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân địa phương. Công trình đi vào hoạt động còn làm tăng thu ngân sách Nhà nước của địa phương hàng năm. Đặc biệt, sau khi hoàn thành dự án sẽ tạo kết nối giao thông từ đường An Dương Vương, thuộc phường Thái Bình (TP Hòa Bình) theo đường Lê Đại Hành kết nối cảng Ba Cấp mới, giúp phát triển du lịch và giao thông đường thủy khu vực lòng hồ Hòa Bình.