Theo đó, mục tiêu chung nhằm xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Trọng tâm cải cách hành chính 05 năm tới là: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển tỉnh; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
– Cải cách thể chế: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được xây dựng, hoàn thiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và có tính khả thi cao; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội;
100% các vấn đề phát hiện qua kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật hàng năm được xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời.
– Cải cách thủ tục hành chính: Cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020;
Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, giảm chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp;
Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử;
Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên;
Năm 2021, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 30%, 20%, 15%; giai đoạn 2022 – 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;
Tối thiểu 80% thủ tục hành chính của các cấp chính quyền trong tỉnh, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%;
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%;
Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%;
90% thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời;
80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ (các thông tin, giấy tờ, tài liệu phải cập nhật mới hoặc bổ sung, thay thế).
– Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh đúng quy định pháp luật, phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh;
100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh được quy định đầy đủ, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức; đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị;
Giảm 10% số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
– Cải cách chế độ công vụ: Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong giới thiệu ứng cử, đề bạt bổ nhiệm cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút những người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh;
Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định;
100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh có cơ cấu, số lượng cấp phó đảm bảo theo đúng quy định;
Hoàn thành việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do tác động của việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
– Cải cách tài chính công: Nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công (trừ đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp), đảm bảo: Tối thiểu 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên được chuyển sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Tối thiểu 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên được chuyển sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên. Tối thiểu 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên được chuyển sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên.
100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
– Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với cổng Dịch vụ công quốc gia;
100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử;
100% các báo cáo của tỉnh được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo quy định;
90% hồ sơ công việc cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;
80% các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu không phải cung cấp lại.
Về các giải pháp thực hiện, UBND tỉnh đề nghị Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương; xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cải cách hành chính. Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Coi trọng công tác thi đua, khen thưởng trong cải cách hành chính.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách, nội dung cải cách hành chính. Tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội, người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Cần phải tiếp tục sử dụng công cụ, biện pháp thiết thực để phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, như tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
Huy động và bố trí đủ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Nâng cao năng lực nghiên cứu và tham mưu của các cơ quan có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời đưa ra khỏi bộ máy những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, mất uy tín với nhân dân. Tạo động lực cải cách bên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều biện pháp, như: Đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ; quan tâm đến chính sách lương, thưởng thoả đáng; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả công việc; có cơ chế, chính sách khuyến khích về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và tạo cơ hội thăng tiến, phát triển cho những cá nhân có trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm theo hướng toàn diện, đa chiều, công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong đánh giá.
Thường xuyên khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp dưới nhiều hình thức và các nội dung quản lý nhà nước khác nhau. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, truyền thông trong khảo sát trực tuyến người dân, tổ chức để cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục, kịp thời về tình hình phục vụ của các cấp chính quyền.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính.
http://tinhuyhoabinh.vn
Ngọc Tuyết |