Hồ Hòa Bình trải dài trên địa bàn 19 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Lòng hồ được bao bọc bởi các dãy núi đá cao, có thảm thực vật đa dạng, phong phú, có nhiều đảo lớn, nhỏ được ví như Hạ Long trên cạn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, phong cảnh hữu tình. Ven hồ có nhiều thôn, bản người Mường, Tày, Thái, Dao còn giữ được những nếp nhà cổ truyền thống với tập tục văn hóa giàu bản sắc, có Di tích lịch sử đền thờ Bà Chúa Thác Bờ nổi tiếng… Hồ Hòa Bình có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng thực sự chỉ được đánh thức, khai thác làm du lịch trong hai năm gần đây, khi khu vực hồ Hòa Bình nằm trong vùng du lịch trung tâm phía Bắc đã được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình ngày 1/8/2016.
Tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch cụ thể phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Khu Du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu Du lịch quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, phong phú, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình. Khu Du lịch hồ Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là một trong 12 khu du lịch trọng tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
Khởi động chương trình phát triển du lịch vùng hồ Hòa Bình, từ năm 2017, Hòa Bình có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm du lịch. Tỉnh chủ trương ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng điện, giao thông, cảng, bến, hệ thống cung cấp nước, hạ tầng viễn thông; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khu du lịch sinh thái, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí tại Khu Du lịch hồ Hòa Bình. Tỉnh xây dựng các dự án thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: sản phẩm du lịch tâm linh đền thác Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; đền Đôi Cô, xã Hiền Lương (Đà Bắc); phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các xóm: Ngòi, Trụ, Ké, Đá Bia… ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ… Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Hoạt động đầu tư du lịch trên hồ Hòa Bình khá sôi động. Nhiều dự án đang nghiên cứu khảo sát, nhiều dự án đang triển khai đầu tư, khả thi. Trong tương lai sẽ hình thành những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển khu du lịch Hồ Hòa Bình. Có thể kể đến các công trình như: Xây dựng mới cảng du lịch Ngòi Hoa; nâng cấp tuyến đường 435 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 435 từ thành phố đi Vịnh Ngòi Hoa kết nối với vùng lõi Khu du lịch hồ Hòa Bình, tổng chiều dài 21,18km; Xây dựng tuyến đường từ xã Sơn Thủy, Mai Châu kết nối với khu du lịch, đầu tư số đoạn đường nội bộ tại diểm du lịch xóm Ngòi, đường đến di tích danh thắng quốc gia động Hoa Tiên. Tỉnh Hòa Bình đang có kế hoạch cải tạo, nâng cấp cảng du lịch Thung Nai, xây dựng các tuyến đường đi dọc bên ven hồ Hòa Bình và tuyến đường cao tốc Hòa Bình đi Mộc Châu để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như thu hút đầu tư, phát triển du lịch.
Tỉnh Hòa Bình đã cấp quyết định chủ đầu tư cho 16 dự án du lịch, với tổng nguồn đăng ký khoảng hơn 9.000 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng khoảng 1.444 ha. Trong đó, một số dự án có quy mô lớn như: dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng; dự án khu nghỉ dưỡng và sinh thái hồ Hòa Bình vốn đầu tư 800 tỷ đồng, dự án khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa vốn đầu tư 474 tỷ đồng… Hiện nay đang có nhiều tập đoàn lớn như: FLC, Tân Hoàng Minh, APEC… đang khảo sát, lập các dự án đầu tư du lịch có quy mô lớn, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí chất lượng cao trên khu du lịch hồ Hòa Bình.