UBND tỉnh họp thường kỳ: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, mục tiêu chung vì động lực phát triển của tỉnh

Chiều 9/9, UBND tỉnh tổ chức họp thường kỳ, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 9 tháng, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2021; kết quả thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 và một số nội dung khác… Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện các ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống KT-XH, SX-KD của người dân, doanh nghiệp (DN). Quán triệt các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh; các cấp, ngành, cộng đồng DN và Nhân dân đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, do đó, tình hình KT-XH của tỉnh đạt được những kết quả nhất định.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,91%; CN-XD tăng 12,15%; dịch vụ tăng 5,06%; thuế sản phẩm tăng 10,8%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 11.824,9 tỷ đồng, tăng 5,43%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 37.256,3 tỷ đồng, tăng 26,23%; giá trị xuất khẩu ước đạt 807,834 triệu USD, tăng 10,51% so với cùng kỳ năm trước… An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện. Văn hóa, GD-ĐT, KH&CN, lao động, việc làm được chú trọng. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định.

Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá, tình hình KT-XH còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt là do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động SX-KD của các DN gặp nhiều khó khăn (đã có 110 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, 35 DN giải thể tự nguyện). Công tác giải quyết thủ tục hành chính đối với các dự án thực hiện bán đấu giá đất, giao đất có thu tiền, các dự án thuê đất còn chậm. Giải phóng mặt bằng một số dự án còn vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ theo yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, ảnh hưởng đến tăng trưởng của tỉnh…

Đối với công tác PCD Covid -19 đã được cả hệ thống chính trị đặc biệt coi trọng theo phương châm “chống dịch như chống giặc” và lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, qua đó, tỉnh đã khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo được niềm tin trong Nhân dân… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp PCD triệt để, làm ảnh hưởng đến công tác PCD của địa phương.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất cao với những nhiệm vụ chủ yếu được UBND tỉnh đề ra trong 3 tháng cuối năm. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao ý thức PCD Covid-19, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa PCD bệnh, vừa phục hồi và phát triển KT-XH. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Những tháng cuối năm cần sự quyết tâm, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2021. Muốn vậy phải có giải pháp gỡ khó trong công tác thu NSNN, khi số thu hiện đạt thấp, nợ đọng cao. Đồng thời tăng cường giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải ngân vốn ODA và quyết liệt chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án chậm triển khai, đặc biệt là dự án nhà ở. Các địa phương, ngành chức năng xem xét nếu nhà đầu tư không đủ năng lực, trì trệ trong triển khai sẽ kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ.

Hiện đã bước vào vụ thu hoạch một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, vì vậy, các ngành, địa phương phải xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm cây ăn quả có múi trong điều kiện đảm bảo yêu cầu PCD Covid-19. Ngoài ra, những tháng cuối năm dự báo mưa bão sẽ phức tạp, trước mắt là bão số 5 đang hoạt động ở Biển Đông và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta… Do vậy phải chủ động ứng phó, cảnh giác với sạt lở đất, lũ quét và triển khai phương án khắc phục khẩn trương nếu có thiệt hại.

Đối với công tác PCD Covid-19, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên cần có sự linh hoạt, phù hợp với thời điểm và không được cực đoan, cần tạo điều kiện cho người dân, DN làm ăn, SX-KD. Phải kịp thời chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo đúng quy định và tăng cường ngoại giao vacxin để tiêm phòng cho Nhân dân.

Đồng chí nhấn mạnh: Chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm, song nhiệm vụ thì bề bộn và còn nhiều khó khăn. Vì vậy, mỗi sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện, mục tiêu chung là vì động lực phát triển của tỉnh…

Hoàng Nga ( Báo Hòa Bình )

Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn